LTS: Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu đặt ra "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc". Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025. Thế nhưng, việc thiếu nguyên vật liệu mà cụ thể là khối lượng cát đắp nền đang trở thành rào cản lớn khiến dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có nguy cơ trễ hẹn.
Để giải quyết điểm nghẽn này, Chính phủ đã tham vấn chuyên gia, kỹ thuật về việc sử dụng nguyên liệu thay thế là cát biển. Vậy cát biển có làm đường cao tốc được không, có dùng để san lấp được không và cát biển khác cát sông thế nào? Nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu nguyên liệu ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành cao tốc Bắc – Nam, Báo điện tử Dân Việt triển khai loạt bài "Khai thác cát biển làm đường cao tốc: Tại sao không?".
Mời bạn đọc là doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư xây dựng nếu có sáng kiến xin gửi về toà soạn báo. Ban Biên tập báo trân trọng cám ơn những sáng kiến đóng góp của bạn đọc để góp phần tháo gỡ những vướng mắc về thiếu nguyên liệu làm cao tốc Bắc – Nam.
Bài 1: Dự án cao tốc Bắc – Nam "mòn mỏi" chờ cát để chạy tiến độ
Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ triển khai thi công 6 dự án đường cao tốc trọng điểm.
Các dự án đều được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng nhu cầu khoảng 70,6 triệu m3, trong đó, riêng cát đắp nền khoảng 63 triệu m3.
Đến thời điểm này, các địa phương mới xác định nguồn được khoảng 37,3 triệu m3, còn thiếu 24,4 triệu m3. Nếu tính theo công suất của các mỏ đã được cấp phép, tổng khối lượng cát còn thiếu cần phải đưa về công trường để bảo đảm tiến độ thi công là 33,7 triệu m3. Trong số đó, các địa phương mới chỉ cấp bản xác nhận hoặc phân bổ từ các mỏ thương mại khoảng 28,7 triệu m3.
Gói thầu XL14 thuộc dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chỉ đạt 5% tiến độ, do thiếu cát. Ảnh: Huỳnh Xây
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện mới xác định được khoảng 16/18,5 triệu m3, còn thiếu 2,98 triệu m3; cao tốc trục ngang Đông Nam Bộ đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng xác định được khoảng 18,5/29 triệu m3, còn thiếu khoảng 10,5 triệu m3; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu xác định được khoảng 2,3/3,25 triệu m3, còn thiếu khoảng 1 triệu m3... Công suất khai thác các mỏ cát đã cấp tại các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua cũng chưa đáp ứng tiến độ thi công, chỉ đạt trung bình 20.000/60.000 m3/ngày.
Dự án cao tốc Cần Thơ- Cà Mau còn 2,5 triệu m3 chưa có nguồn cung. Ảnh: Huỳnh Xây
Việc thiếu vật liệu đang "cản bước" tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Cụ thể, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua TP Cần Thơ được khởi công ngày 17/6/2023, tuy nhiên, tính đến hết quý I/2024 dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn Cần Thơ vẫn chưa có một hạt cát nào được cung ứng tới công trường.
Sau 10 tháng mòn mỏi chờ nguyên liệu cát kể từ ngày khởi công (176/2023), đến giữa tháng 4/2024, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua TP.Cần Thơ đã được cung ứng cát tới công trường nhưng số lượng vẫn chưa đủ.
Ghi nhận của PV Dân Việt tại gói thầu XL14 thuộc dự án thành phần 2 (Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) chỉ có đủ cát thực hiện được đường công vụ. Trong khi đó, phần đường chính dự án (khoảng 2,7km) đã đào hữu cơ xong vẫn đang mòn mỏi chờ cát đắp nền trong thời gian dài.
Đơn thị thi công dự án cao tốc nói về việc thiếu cát làm chậm tiến độ. Video: Huỳnh Xây
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Hành - Cán bộ phụ trách thi công của Công ty CP XDDV và Thương mại 68 đơn vị thi công cho biết: "Tiến độ gói thầu XL14 chỉ đạt 5%, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cát đắp nền".
Lo ngại về thiếu cát cho dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết: "Tổng nhu cầu về cát là 7 triệu m3".
Thời gian qua, tỉnh An Giang đã giải quyết cấp cho TP.Cần Thơ 1 mỏ cát ở xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) và hiện nay mỏ này đang được khai thác. Theo phê duyệt lúc đầu là 3,2 triệu m3 nhưng do phủ tạp chất nhiều, chỉ có khả năng cung cấp được 2,3 triệu m3. Do vậy, TP.Cần Thơ thiếu 4,7 triệu m3.
Gói thầu XL14 thuộc dự án thành phần 2 (Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng) "mòn mỏi" chờ cát. Ảnh: Huỳnh Xây
"Do thiếu 4,7 triệu m3 nên TP.Cần Thơ đã chạy xuống tỉnh Sóc Trăng nhờ hỗ trợ và được hứa đi rà soát lại các mỏ các sông, để rồi 2 bên cùng tham gia đánh giá trữ lượng. Hiện nay, việc đánh giá chưa có kết quả" - ông Hiển nói.
"Bộ GTVT đã có kết quả thí điểm cát biển cho các dự án, vì vậy, địa phương cũng tính đến việc sử dụng cát biển làm đường cao tốc", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, việc dùng cát biển với TP.Cần Thơ đang bị vướng mắc cơ chế tại công văn 2499 của Bộ GTVT thì TP.Cần Thơ không được sử dụng cát biển. Do đó, ông Hiển đã báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhờ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn.
Dự án thiếu cát đang làm đau đầu đơn vị thi công. Ảnh: Huỳnh Xây Chờ cát biển "cứu" dự án
Tương tự, tại dự án thành phần 3 cũng đang thiếu cát nghiêm trọng. Dự án thành phần 3 với tổng nhu cầu cát là khoảng 6,0 triệu m3, nhưng mới xác định được nguồn cát 2,6 triệu m3 (mỏ cát nằm ở xã Bình Thuỷ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) và đang thiếu 3,4 triệu m3.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay, nguồn vật liệu cát khó khăn và công suất khai thác mỏ ở tỉnh An Giang chưa đạt theo hồ sơ được cấp phép.
"Việc thiếu hụt nguồn cát có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành dự án", ông Hoà bày tỏ lo ngại.
Để đảm bảo nguồn vật liệu cát cho dự án thành phần 3 , UBND tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tỉnh Bến Tre, Tiền Giang xem xét hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thiếu cát khiến tiến độ đang bị chậm. Ảnh: Huỳnh Xây
Đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (kế hoạch hoàn thành năm 2025), tổng nhu cầu cát là 18,5 triệu, nhưng chỉ mới xác định được nguồn 16 triệu m3, tức còn 2,5 triệu m3 vẫn chưa có nguồn cung.
Điều đáng nói là tròn 16 triệu m3 nói trên, chỉ mới đủ điều kiện khai thác 13 triệu m3 (2 mỏ tại Vĩnh Long chưa khai thác được do dân chưa đồng thuận, 2 mỏ tại Đồng Tháp đang tạm dừng khai thác). Vì vậy, khối lượng có thể đưa về công trường đáp ứng kế hoạch thi công chỉ đạt 8,8 triệu m3, còn thiếu khoảng 9,7 triệu m3.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Công Cường, Phó Giám đốc Ban điều hành Trung Nam E&C cho biết, gói thầu của đơn vị thực hiện thi công 10km cầu và đường trong phân đoạn Hậu Giang - Cà Mau (dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), do thiếu cát nên tiến độ chậm 6 tháng, tương ứng 40% khối lượng công việc.
Các đơn vị thi công mòn mỏi chờ từng chuyến cát chở về dự án. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Cường thông tin: "Nguồn cát từ Vĩnh Long đang được đưa về khoảng 1.250m3/ngày, thêm vào đó là lượng cát phân bổ từ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (lấy từ 2 mỏ cát tại Đồng Tháp) từ 2.000 - 2.500m3/ngày.
Theo ông Cường, riêng nguồn cát từ Vĩnh Long, người dân chưa đồng thuận (sợ tình trạng sạt lở diễn ra - PV) nên việc lấy cát gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2025, chủ đầu tư, các nhà thầu đã triển khai thủ tục khai thác cát biển tại Sóc Trăng (dự kiến 6 triệu m3) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để nâng công suất các mỏ cát sông.
Ban điều hành Trung Nam E&C cho biết, gói thầu của đơn vị thực hiện thi công 10km cầu và đường trong dự án , do thiếu cát nên tiến độ chậm 6 tháng, riêng công trình đường chỉ đáp ứng được 40% so với khối lượng hợp đồng.
Hiện, tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận khai thác với tổng trữ lượng khoáng sản được khai thác hơn 5,4 triệu m3. Theo đó, các nhà thầu đã nộp đầy đủ các thủ tục, hồ sơ để Bộ Tài Nguyên và Môi trường giao khu vực biến, dự kiến các nhà thầu bắt đầu khai thác từ 29/6.
Tuy nhiên, do cát biển chỉ có thể khai thác đến hết tháng 8/2024 (điều kiện thời tiết, biển động) nên cần phải bổ sung nguồn cát sông cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tại buổi sơ kết thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017 - 2020) mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề xuất các địa phương vào cuộc tích cực, với trách nhiệm chính trị trong việc chủ động tháo gỡ vướng mắc, chủ động có kế hoạch khai thác các mỏ vật liệu, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án đi qua địa phương.
Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.
Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… phối hợp chặt chẽ Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng cho các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2025 và sớm triển khai các thủ tục cấp mỏ cát biển cho nhà thầu để có thể khai thác phục vụ thi công trong tháng 6/2024.
(Còn tiếp)